T7, 18.05.2024

Một số vấn đề liên quan đến bản quyền trong số hóa tài liệu

Trang chủ » Một số vấn đề liên quan đến bản quyền trong số hóa tài liệu
Một số vấn đề liên quan đến bản quyền trong số hóa tài liệu

Công nghệ số ra đời thay đổi sâu sắc và toàn diện cơ sở thông tin của xã hội. Với các thiết bị công nghệ số, dữ liệu thông tin được tạo lập nhanh chóng, lưu trữ lâu dài, phổ biến rộng rãi và sử dụng thuận tiện. Ở nước ta, chương trình số hóa tài liệu cũng đang được Nhà nước và giới chuyên môn quan tâm. Để chương trình số hóa tài liệu tại các thư viện trường học có thể triển khai có hiệu quả trong thực tế, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có các quy định pháp luật về bản quyền. 

1. Vấn đề bản quyền trong giai đoạn thu thập và phân loại tài liệu.
    Đối tượng bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.
    Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ (Luật SHTT), đối tượng của quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và đối tượng của quyền liên quan bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm hình ghi, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mạng chương trình đã được mã hóa (Điều 3 Luật SHTT). Mà theo quy định tại Điều 4 luật SHTT “tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Như vậy chỉ khi tài liệu đầu vào của quá trình số hóa chứa đựng sản phẩm mang tính sáng tạo của con người và đã được định hình mới là đối tượng bảo hộ bản quyền.
    Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.
    Người sáng tạo ra tác phẩm là tác giả hoặc người được tác giả chuyển nhượng quyền là chủ sở hữu quyền tác giả mới là người nắm giữ các quyền nhân thân hay quyền tài sản đối với tác phẩm chứ không phải người sở hữu bản gốc hay bản sao tác phẩm cụ thể. Ví dụ, thư viện chỉ là chủ sở hữu đối với các cuốn sách cụ thể được lưu trữ trong quầy của thư viện, tác giả viết các cuốn sách hay các tổ chức, cá nhân được tác giả chuyển nhượng quyền mới là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các cuốn sách đó. 
    Xin cấp phép sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan.
    Đối với các tài liệu không thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả như Điều 15 Luật SHTT: “1. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin.1. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó. 3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu hay các tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ theo quy định; các tác phẩm tác giả tuyên bố rõ từ bỏ quyền tác giả và quyền liên quan có thể tiến hành số hóa bất cứ khi nào có thể mà không cần đặt ra vấn đề bản quyền.
    Về nguyên tắc, đối với các tài liệu được bảo hộ bản quyền, trước khi sử dụng tác phẩm cần xin phép và thực hiện nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo thỏa thuận. Việc xin cấp phép sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan hiện nay có thể thực hiện đơn giản và dễ dàng. Người sử dụng có thể theo các thông tin quản lý quyền có trên tác phẩm liên hệ trực tiếp với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả để được cấp phép, hoặc thông qua các tổ chức quản lý tập thể, đây là tổ chức đại diện cho các tác giả thực hiện việc quản lý các quyền được ủy quyền (điều 56 luật SHTT). Tại Việt Nam, hiện đang có 4 tổ chức quản lý tập thể trong 4 lĩnh vực; Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VCPMC, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả văn học – VLCC, Hiệp hội công nghệ ghi âm Việt Nam – RIAV, Hiệp hội quyền sao chép VIETRRO.
    Giới hạn và ngoại lệ
    Tuy nhiên, thực tế theo quy định về giới hạn và ngoại lệ của luật SHTT, trong một số trường hợp có thể sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Việc sử dụng tác  phẩm thông qua hành vi số hóa có thể thuộc một trong các ngoại lệ sau:
– Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân…
–  Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu…
– Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
– Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;” (Điều 25 Luật SHTT).
Cần lưu ý các ngoại lệ này chỉ áp dụng đối với các tác phẩm đã được công bố, không thể áp dụng cho các tác phẩm chưa công bố.
Đối với các tài liệu không xác định rõ thời hạn bảo hộ bản quyền hay không xác định được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người sử dụng cần cân nhắc những rủi ro về kinh tế và pháp lý có thể phát sinh để quyết định có tiến hành số hóa hay không. 
    2. Vấn đề bản quyền trong giai đoạn số hóa và xử lý tài liệu
    Khi tiến hành số hóa các tài liệu đầu vào là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả quyền liên quan, có thể xảy ra các khả năng sau:
    Nếu đầu vào của quá trình số hóa là buổi biểu diễn thì việc sử dụng thiết bị công nghệ số để ghi lại cũng có thể thuộc về hành vi định hình buổi biểu diễn. Đây là quyền của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn của mình, nếu không được phép của họ, người thực hiện việc số hóa đã có hành vi xâm phạm quyền liên quan theo quy định tại khoản 1 điều 35 Luật SHTT. Ngoại trừ trường hợp ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc giảng dạy theo quy định tại Điều 25 Luật SHTT.
    Nếu đầu vào của quá trình số hóa là những tác phẩm được bảo hộ bảo quyền thì việc số hóa tác phẩm đó có thể là hành vi sao chép tác phẩm, bởi theo quy định tại khoản 2 điều 23 Nghị định 100 thì chủ sở hữu quyền tác giả có quyền sao chép là “độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao của tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời các tác phẩm dưới hình thức điện tử”. Cần lưu ý nếu các thư viện tiến hành sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu theo quy định của điểm d khoản 1 điều 25 Luật SHTT thì không được sao chép qua văn bản. Mặt khác thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả các bản sao kỹ thuật số.
    Nếu đầu vào của quá trình số hóa là những tác phẩm được bảo hộ bản quyền và hành vi số hóa mang tính sáng tạo thì kết quả số hóa có thể coi là tác phẩm phái sinh người tiến hành số hóa là tác giả tác phẩm phái sinh và được bảo hộ quyền tác giả nhưng phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả phẩm gốc vì “làm tác phẩm phái sinh”  là độc quyền tài sản của họ cũng như không được gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.
    Sau khi tiến hành số hóa tài liệu thông qua các thiết bị công nghệ, các dữ liệu phải được đưa vào xử lý và xây dựng thành những sưu tập dữ liệu. Quá trình tổ chức các sưu tập dữ liệu theo đánh giá của nhiều học giả hoàn thành có thể sản sinh ra một tác phẩm mới và đây chính tạo ra tác phẩm phái sinh. Luật SHTT Việt Nam cũng quy định sưu tập dữ liệu là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả tại điểm m khoản 1 điều 14. Tuy nhiên, thực tế việc xác định kết quả quá trình số hóa và xử lý dữ liệu có tính sáng tạo hay không rất khó. Vì vậy để đảm bảo quyền của lợi của người xây dựng các cơ sở dữ liệu, trên thế giới hiện nay có xu thế bảo hộ các sựu tập dữ liệu bằng cách cho người xây dựng sưu tập dữ liệu được hưởng các độc quyền nhất định . 
Trong suốt quá trình tiến hành số hóa quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm cần được tôn trọng, quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn và không thể chuyển nhượng, do vậy trên các dữ liệu số hóa vẫn phải đảm bảo quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên trên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm… của các tác giả tác phẩm gốc.
    3. Vấn đề bản quyền trong giai đoạn khai thác và sử dụng kết quả quá trình số hóa.
    Xác định chủ sở hữu quyền tác giả đối với kết quả số hóa.
Nếu quá trình số hóa mang tính sáng tạo, tạo ra một tác phẩm được bảo hộ bản quyền ( tác phẩm phái sinh, sưu tập dữ liệu…) thì về nguyên tắc cá nhân người sáng tạo là tác giả nếu cá nhân đó tiến hành số hóa – cũng là sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ được tổ chức giao hoặc theo hợp đồng giao kết với cá nhân, tổ chức khác thì theo quy định tại điều 39 Luật SHTT tổ chức giao nhiệm vụ, tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với họ mới là chủ sở hữu quyền tác giả. Như vậy, các đơn vị sở hữu tài liệu được số hóa – ví dụ các thư viện – nếu không phải là đơn vị trực tiếp đầu tư tiến hành số hóa 
    Đối với các tài liệu đầu vào vốn dĩ là những tác phẩm được bảo hộ bản quyền, hành vi số hóa chỉ sao chép lại tác phẩm dưới hình thức điện tử thì việc xác định chủ sở hữu quyền tác giả đối với kết quả số hóa khá phức tạp. Nếu hai bên không có thỏa thuận trước, theo logic chủ sở hữu quyền chỉ cho phép người tiến hành số hóa sử dụng quyền sao chép mà không chuyển nhượng toàn bộ quyền tác giả, như vậy chủ sở hữu quyền tác giả của các tác phẩm được số hóa vẫn là chủ sở hữu quyền tác giả đối với kết quả số hóa mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm được số hóa hay không là vấn đề đơn vị tiến hành số hóa cần đặc biệt lưu ý thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả.
    Các hình thức khai thác và sử dụng.
    Chủ sở hữu quyền tiến hành khai thác và sử dụng kết quả số hóa thông qua các hoạt động sáng tạo tạo ra giá trị gia tăng cho các kết quả số hóa. Xây dựng các kênh phân phối đưa kết quả số hóa đến với người sử dụng. Các hoạt động khai thác và sử dụng kết quả số hóa ra thành nhiều bản, “quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện nào” (điểm đ khoản 1 điều 20) khi xây dựng các trang web và đưa kết quả số hóa lên internet… Vì vậy, các hoạt động đó phải do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép người khác.
Vấn đề bản quyền trong số hóa tài liệu là vấn đề phức tạp, các nghiên cứu về vấn đề này chưa nhiều. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều nghiên cứu về vấn đề này để những vướng mắc sớm được giải đáp./.

     Đại úy Trần Nữ Quế Phương

(Nguồn: https://www.hvtc.edu.vn/tabid/558/catid/143/id/19161/Mot-so-van-de-lien-quan-den-ban-quyen-trong-so-hoa-tai-lieu/Default.aspx)

Tin liên quan