CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ LƯU TRỮ - SỐ HÓA TÀI LIỆU HT

Cốt cách tạo dựng thương hiệu

CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ LƯU TRỮ - SỐ HÓA TÀI LIỆU HT

Cốt cách tạo dựng thương hiệu

Tin ngành

Lưu trữ lịch sử liên huyện - Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lưu trữ cấp huyện

Upload: 15-11-2016

Trong thời kỳ phong kiến trước đây và một thời gian dài sau này, lưu trữ cấp huyện không được định hình cụ thể. Đến năm 1998, Thông tư số 40/TT/TCCP của Ban Tổ chức -Cán bộ Chính phủ hướng dẫn tổ chức lưu trữ ở các cơ quan nhà nước các cấp (gọi tắt là Thông tư 40) đã yêu cầu bố trí cán bộ lưu trữ chuyên trách thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) huyện để giúp Chánh văn phòng và UBND huyện quản lý nhà nước về công tác lưu trữ trong phạm vi huyện, trực tiếp quản lý kho lưu trữ của huyện và tài liệu lưu trữ hình thành trong hoạt động của cơ quan UBND huyện. Ngày 01/02/2005, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 21/2005/TT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Văn thư, Lưu trữ bộ, cơ quan ngang bộ và UBND (Thông tư 21) quy định lưu trữ huyện là lưu trữ lịch sử và là một bộ phận thuộc Văn phòng HĐND-UBND huyện, từ đó định hình sơ bộ tổ chức lưu trữ cấp huyện và giao cho tổ chức này chức năng mới. Tuy nhiên, để thực hiện Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Nghị định 14), Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 04/2008/TT-BNV ngày 04/6/2008 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện (Thông tư 04), thay thế cơ bản những quy định được thiết lập trong Thông tư 21. Đến nay, Luật Lưu trữ đã có hiệu lực và không thừa nhận sự tồn tại của lưu trữ cấp huyện như một lưu trữ lịch sử. 

Trên cơ sở những quy định của nhà nước, từ năm 1998 đến nay tổ chức lưu trữ cấp huyện có nhiều thay đổi và đã cho thấy một số hạn chế nhất định:

 

Thứ nhất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các lưu trữ ở cấp huyện không được quy định cụ thể trong các văn bản quản lý của Nhà nước.

Thông tư 21 đã trao cho lưu trữ UBND huyện chức năng của lưu trữ lịch sử, đồng thời là lưu trữ hiện hành của UBND huyện và do Văn phòng HĐND-UBND huyện quản lý. Do đó, lưu trữ lịch sử cấp huyện là một đơn vị thuộc cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện. Thông tư 04 được ban hành  thay thế Thông tư 21, nhưng không có quy định về lưu trữ lịch sử ở cấp huyện. Cùng với Nghị định 14, Thông tư 04 và Luật Lưu trữ đã trao chức năng tham mưu, giúp UBND huyện quản lý nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ cho Phòng Nội vụ huyện, nhưng chỉ quy định về nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ, không quy định về quản lý kho lưu trữ lịch sử. Vì vậy, về phương diện pháp lý, kho lưu trữ lịch sử huyện đang bị "đóng cửa" và không có đơn vị nào quản lý. Song song với lưu trữ lịch sử huyện là các lưu trữ cơ quan ở cấp huyện. Tùy theo đặc thù của từng cơ quan và sự quan tâm của lãnh đạo mà mỗi lưu trữ được thành lập bằng những văn bản pháp lý khác nhau. Nhưng chức năng, nhiệm vụ cụ thể của bộ phận lưu trữ và trách nhiệm, mối liên hệ của nó với lưu trữ lịch sử và cơ quan quản lý nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ huyện đều không có quy định rõ ràng. Ngoài ra, cơ cấu tổ chức, biên chế và các điều kiện kèm theo đối với các lưu trữ ở cấp huyện cũng không có căn cứ pháp lý cụ thể để thực hiện.

 

Thứ hai, tổ chức rời rạc, bị chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, đồng thời đảm nhiệm vai trò của lưu trữ hiện hành và lưu trữ lịch sử.

Mặc dù có một lưu trữ lịch sử ở cấp huyện được thành lập theo tinh thần của Thông tư 21, nhưng trên thực tế, lưu trữ này chủ yếu bảo quản tài liệu của HĐND và UBND huyện. Phần lớn tài liệu ở lưu trữ này đều do Văn phòng nộp lưu hoặc tài liệu của các Chủ tịch, Phó Chủ tịch hết nhiệm kỳ. Đồng thời, lưu trữ lịch sử huyện cũng là lưu trữ hiện hành của Văn phòng HĐND-UBND huyện. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện đều tự lưu trữ tài liệu, thậm chí thành lập kho lưu trữ riêng (như kho lưu trữ của Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Quản lý đô thị,…). Các cơ quan quản lý theo ngành dọc như thuế, kho bạc, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đều có kho lưu trữ hiện hành nhưng không giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử gây nên nhiều bất cập trong quản lý tài liệu. Do sự thiếu quan tâm của UBND huyện và một số nguyên nhân khác về cơ chế quản lý tại địa phương nên các lưu trữ cơ quan hầu như không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương về công tác văn thư, lưu trữ. Mối liên hệ công tác giữa các lưu trữ cơ quan với lưu trữ lịch sử ở cấp huyện hầu như không có. Thực tế này đã vi phạm nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất tài liệu lưu trữ và công tác lưu trữ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ của công tác lưu trữ tại địa phương. Do lưu trữ lịch sử huyện không được quy định trong Luật Lưu trữ, nên việc hướng dẫn và quản lý tài liệu đối với các cơ quan nhà nước cấp huyện càng trở nên khó khăn. Mặc dù các Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh vẫn duy trì kiểm tra, hướng dẫn đối với các cơ quan cấp huyện, nhưng những tài liệu lưu trữ từng do lưu trữ lịch sử cấp huyện quản lý vẫn chưa có giải pháp để tiếp tục bảo quản.

So với 20 năm về trước(1), các lưu trữ cấp huyện đã được bổ sung về số lượng cán bộ, phòng, kho, cơ sở vật chất để bảo quản tài liệu. Nhưng nhìn chung, sự trì trệ và kém hiệu quả vẫn chưa được cải thiện do sự thiếu ổn định về tổ chức. Do đó, ổn định tổ chức cho lưu trữ huyện là giải pháp cấp bách. Việc ổn định tổ chức cho lưu trữ huyện có thể tiến hành bằng cách triển khai nhiều mô hình khác nhau. Trong bài viết này, xin đề xuất mô hình tổ chức: Một cơ quan quản lý nhà nước, một lưu trữ lịch sử liên huyện và nhiều lưu trữ cơ quan cùng cấp ở địa phương.

Về cơ bản, mô hình này giữ nguyên cách tổ chức theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ là UBND huyện và Phòng Nội vụ huyện có chức năng tham mưu cho UBND về lĩnh vực này. UBND huyện hoạt động theo luật định, còn Phòng Nội vụ huyện thực hiện chức năng tham mưu theo hướng dẫn của Thông tư 04. Ngoài những nhiệm vụ được quy định tại Thông tư 04, Phòng Nội vụ huyện cần được bổ sung thêm những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Tham mưu để UBND huyện ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác văn thư, lưu trữ đối với các cơ quan, đơn vị và xã, phường trong địa bàn huyện;

- Thống kê số liệu về công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, đơn vị trong địa bàn huyện;

- Quản lý danh mục chi tiết và địa chỉ tra tìm các tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử (giá trị bảo quản vĩnh viễn) của các cơ quan nhà nước cấp huyện;

Ngoài ra, lưu trữ của UBND huyện được tách chức năng lưu trữ hiện hành, giao bộ phận lưu trữ thuộc Văn phòng HĐND-UBND đảm nhiệm; chức năng lưu trữ lịch sử được giao cho kho lưu trữ lịch sử liên huyện. Trong mô hình này, ở mỗi huyện không tổ chức một lưu trữ lịch sử riêng thuộc Phòng Nội vụ huyện mà thành lập lưu trữ lịch sử liên huyện thuộc quyền quản lý của Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do đó Phòng Nội vụ sẽ không có nhiệm vụ quản lý kho lưu trữ lịch sử huyện. Lưu trữ lịch sử liên huyện có vai trò như các chi nhánh của Trung tâm Lưu trữ cấp tỉnh, chịu sự quản lý của Sở Nội vụ mà trước hết là Chi cục Văn thư - Lưu trữ.

Lưu trữ lịch sử liên huyện thực hiện chức năng thu thập, bảo quản, tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu trong phạm vi nhiều huyện. Việc thành lập lưu trữ lịch sử liên huyện nhằm giải quyết những khó khăn của các huyện trong việc thành lập kho lưu trữ lịch sử riêng do quy hoạch của địa phương không cho phép ưu tiên xây dựng các kho lưu trữ chuyên dụng có quy mô mà nhu cầu thực tế lại đòi hỏi cấp bách. Theo đó, Sở Nội vụ chủ trì và thực hiện quản lý tập trung tài liệu lưu trữ của toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ tỉnh, thành phố đến các quận, huyện, thị xã) khi các huyện chưa đủ năng lực quản lý tốt tài liệu. Số lượng các huyện được kết hợp để thành lập lưu trữ liên huyện sẽ phụ thuộc vào tình hình cụ thể của địa phương, nhưng mỗi huyện được tham gia vào tổ chức lưu trữ liên huyện khi khối lượng tài liệu tương đối lớn, vượt quá khả năng của huyện trong việc bố trí kho lưu trữ đạt yêu cầu. Thực tế tài liệu là một trong những điều kiện tiên quyết để tổ chức phòng, kho lưu trữ. Nhu cầu bảo quản tài liệu sẽ chi phối việc tổ chức lưu trữ để đáp ứng thực trạng tài liệu. Khi khối lượng tài liệu đã vượt quá khả năng tổ chức bảo quản của huyện, UBND mà trước hết là Phòng Nội vụ huyện phải có phương án để phối hợp với những đơn vị khác nhằm thực hiện tốt công tác lưu trữ. Tình huống này thường xảy ra với những huyện có mức nộp ngân sách thấp hoặc những huyện mới thành lập, khả năng đầu tư cho công tác lưu trữ bị hạn chế. Các huyện này thường gặp khó khăn về tài chính, kéo theo sự hạn hẹp về biên chế nhưng có lợi thế về quỹ đất. Các quận, huyện, thị xã đã hình thành từ sớm, tuy thuận lợi hơn về kinh phí và chỉ tiêu biên chế nhưng có thể gặp khó khăn về quỹ đất để đầu tư xây dựng các kho lưu trữ chuyên dụng. Bên cạnh đó, những lưu trữ tham gia vào lưu trữ lịch sử liên huyện phải có vị trí địa lý tương đối gần nhau nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển và đảm bảo tính tương đối đồng nhất về văn hóa, thổ nhưỡng khi tham gia xây dựng, điều hành tổ chức lưu trữ này(2). Việc thành lập các kho lưu trữ lịch sử liên huyện phải do UBND tỉnh, thành phố quyết định trên cơ sở đề nghị của Sở Nội vụ và các huyện có liên quan.

Ngoài những ưu thế do tăng cường vai trò của Phòng Nội vụ và trách nhiệm của các lưu trữ cơ quan như ở mô hình thứ nhất, tổ chức lưu trữ ở cấp huyện theo mô hình này sẽ có những lợi thế sau:

 

Một là, tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử ở cấp huyện vẫn được quản lý bởi một lưu trữ lịch sử có thẩm quyền. 

Với khối lượng lớn và có giá trị, mang nhiều ý nghĩa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… tài liệu lưu trữ huyện cần được bảo quản trong các lưu trữ lịch sử để phục vụ nhiều nhu cầu khai thác, sử dụng khác nhau, đặc biệt là phục vụ nghiên cứu lịch sử. Trong khi tài liệu lưu trữ hình thành ở cấp huyện có giá trị lịch sử rõ rệt thì thực tế công tác lưu trữ ở các địa phương còn nhiều bất cập; bản thân các Trung tâm Lưu trữ cấp tỉnh chưa tự giải quyết được hết số tài liệu thuộc thẩm quyền quản lý của mình nên không đủ năng lực gánh vác nhiệm vụ quản lý tài liệu của các huyện. Ví dụ, nếu tính riêng số lượng cơ quan là nguồn nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ Thành phố Hà Nội thì mỗi năm Trung tâm này sẽ phải thu tài liệu khoảng gần 100 cơ quan trên địa bàn thành phố(3), nhưng trên thực tế mới chỉ thực hiện được hơn ½ khối lượng. Trong khi đó, ở mỗi huyện, quận, thị xã có khoảng 50 cơ quan, tổ chức là nguồn nộp lưu theo hướng dẫn của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Vì vậy, nếu cấp huyện không tổ chức lưu trữ lịch sử mà giao tài liệu này về Trung tâm Lưu trữ tỉnh thì ước tính mỗi năm Trung tâm sẽ phải tiếp nhận tài liệu của khoảng 1.500 đến 2.000 cơ quan, tổ chức. Như vậy, Trung tâm Lưu trữ tỉnh sẽ phải gánh khối lượng công việc khổng lồ không kém gì khối lượng công việc của một trung tâm lưu trữ quốc gia. Mặt khác, công tác lưu trữ ở nhiều huyện chưa đủ năng lực đảm nhiệm vai trò của một lưu trữ lịch sử do khó khăn về con người và cơ sở vật chất, trong khi nguồn tài liệu cấp huyện không được quản lý vẫn hàng ngày bị thất lạc, phân tán và hư hỏng.

 

Hai là, phát huy vị thế của Sở Nội vụ và UBND cấp tỉnh để phân bổ ngân sách, biên chế, quy hoạch xây dựng kho tàng...

 Sở Nội vụ là cơ quan có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ trong toàn tỉnh. Thông qua sự tham mưu của Sở Nội vụ, UBND cấp tỉnh có thể ban hành những quyết định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu trữ cấp huyện. Khác với UBND huyện, UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định đối với biên chế sự nghiệp của cấp huyện. Vai trò chủ động trong các quyết định về biên chế và ngân sách của UBND tỉnh cho phép việc cung cấp các nguồn lực cần thiết cho lưu trữ lịch sử liên huyện trở nên dễ dàng hơn. UBND tỉnh sẽ dễ dàng lựa chọn và đưa vào quy hoạch của tỉnh những vị trí thuận lợi và quỹ đất thích hợp để xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng cho cấp huyện. Vì vậy, kho lưu trữ liên huyện là giải pháp thích hợp cho những huyện không đủ tiềm lực xây dựng lưu trữ lịch sử riêng.

 

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ của công dân, cơ quan, tổ chức.

Việc thành lập lưu trữ lịch sử liên huyện giúp giảm tải khối lượng tài liệu tồn đọng tại Trung tâm Lưu trữ cấp tỉnh, đồng thời cung cấp thêm cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực… cho công tác tổ chức khoa học tài liệu lưu trữ của các huyện. Điều này đặt nền tảng quan trọng, cơ bản cho công tác tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu. Bên cạnh đó, ưu thế về vị trí địa lý của các lưu trữ liên huyện giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện tiếp cận tài liệu tốn ít thời gian và chi phí hơn, giúp cho việc khai thác, sử dụng tài liệu được thuận tiện, đạt hiệu quả cao hơn so với tập trung tài liệu lưu trữ huyện về Trung tâm Lưu trữ tỉnh.

 

Bốn là, so với quy định của Luật Lưu trữ thì lưu trữ lịch sử liên huyện là giải pháp hợp lý cho quan điểm của các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương và nhu cầu thực tế.

Tài liệu lưu trữ cấp huyện phải được quản lý bởi một lưu trữ lịch sử. Vấn đề cần lời giải đáp cho các nhà quản lý ở Trung ương, giới nghiên cứu và nhà quản lý công tác lưu trữ ở địa phương là lưu trữ lịch sử nào sẽ đảm nhận trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ cấp huyện. Nếu mỗi huyện có đủ điều kiện thành lập và tổ chức tốt kho lưu trữ lịch sử thì mô hình tổ chức như Thông tư 21 là phù hợp hơn cả. Nhưng trong bối cảnh nhiều huyện không đủ điều kiện này và theo quy định của Luật Lưu trữ thì Trung tâm Lưu trữ cấp tỉnh sẽ phải đảm đương nhiệm vụ trên. Trong trường hợp bị quá tải, Trung tâm Lưu trữ tỉnh có thể tiến hành thiết lập các phân kho để giao trách nhiệm tiếp nhận tài liệu cấp huyện. Nhưng việc tiếp nhận các phân kho là một biện pháp mang tính thụ động vì Trung tâm Lưu trữ tỉnh đã được thiết kế và xây dựng không phải để tiếp nhận khối lượng công việc quá lớn như vậy. Hơn nữa, khi thành lập các phân kho, việc xây dựng bộ máy, chuẩn bị cán bộ và việc lựa chọn để xây dựng kho… lại phụ thuộc vào những quy hoạch tổng thể khác nên thời gian triển khai sẽ kéo dài, có thể gây lãng phí và khó huy động được nguồn lực từ các huyện.

Với kho lưu trữ lịch sử liên huyện, UBND cấp tỉnh và Sở Nội vụ sẽ chủ động được về bộ máy và cán bộ khi tiến hành thành lập mới. Có thể áp dụng biện pháp chuyển một số biên chế sự nghiệp của các huyện thành biên chế sự nghiệp của kho lưu trữ lịch sử liên huyện, điều động cán bộ lưu trữ có năng lực từ một số huyện để làm công tác quản lý tại kho mới thành lập; chủ động về xây dựng kho tàng. Khi cần thiết, nếu các lưu trữ lịch sử liên huyện đã hoạt động tương đối ổn định vẫn có thể tiến hành sáp nhập với Trung tâm Lưu trữ tỉnh. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tổ chức lưu trữ theo mô hình lưu trữ lịch sử liên huyện, đặc biệt là việc thành lập các kho lưu trữ liên huyện sẽ gặp một số khó khăn.

Tổ chức lưu trữ huyện hiện nay chưa rõ ràng, trong khi nhu cầu thiết yếu của công tác lưu trữ huyện là ổn định về tổ chức để tạo tiền đề bước vào giai đoạn hoạt động có nền nếp. Tổ chức lưu trữ huyện theo mô hình thứ 2 sẽ làm thay đổi tổ chức lưu trữ không chỉ ở cấp huyện mà còn ảnh hưởng cả đến chức năng, nhiệm vụ của Sở Nội vụ. Ngoài việc tiếp nhận Trung tâm Lưu trữ tỉnh, Sở Nội vụ còn phải tiến hành các biện pháp tổ chức cho các lưu trữ liên huyện, nhất là khi các lưu trữ này là một loại hình cơ quan lưu trữ mới xuất hiện, chưa có nền nếp hoạt động như Trung tâm Lưu trữ tỉnh. Vị trí tương đối khác biệt trong hệ thống lưu trữ của các lưu trữ liên huyện sẽ khiến cho Sở Nội vụ gặp nhiều khó khăn hơn trong công tác tổ chức, trong đó có việc xác định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cho lưu trữ này nhằm đảm bảo hoạt động đúng với mục tiêu của nhà tổ chức. Sự khác biệt đó cũng làm cho tổ chức lưu trữ ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không đảm bảo tính thống nhất từ trung ương đến địa phương trong khi các quy định hiện hành chưa đề cập đến tổ chức lưu trữ này trong hệ thống lưu trữ Việt Nam. Do vậy, quá trình triển khai mô hình này trong thực tế, Sở Nội vụ có thể sẽ gặp trở ngại cả về pháp lý và quan điểm khác nhau từ các cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, trong thời gian đầu thành lập, lưu trữ lịch sử liên huyện sẽ có nhiều khó khăn khi hoạt động. Cho tới trước khi Luật Lưu trữ được ban hành, các lưu trữ huyện vừa có tính chất của lưu trữ hiện hành, vừa mang tính chất của lưu trữ lịch sử nên mặc dù việc thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ còn nhiều bất cập song vẫn thu được tài liệu của HĐND, UBND huyện và Văn phòng HĐND-UBND huyện từ bộ phận văn thư chuyển sang. Khi lưu trữ lịch sử liên huyện được thành lập, công tác thu thập, bổ sung sẽ còn khó khăn hơn vì địa bàn tiến hành thu tài liệu được mở rộng, lưu trữ lịch sử lại không nằm trong trụ sở UBND huyện, các quy định của Nhà nước làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của lưu trữ này phụ thuộc chủ yếu vào quy định của tỉnh, thành phố mà chưa có quy định hay hướng dẫn từ Bộ Nội vụ và Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Công tác tổ chức khoa học tài liệu cho kho lưu trữ này phải được nghiên cứu và thực hiện bài bản ngay từ đầu, nhất là việc nghiên cứu đặc điểm tài liệu trong tổng thể các huyện có những điểm tương đồng.

Vì vậy, tổ chức lưu trữ theo mô hình đề xuất nêu trên đòi hỏi sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt từ các cấp có thẩm quyền, trước hết là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Nội vụ để đảm bảo tính hiệu quả, hợp lý và đúng hướng n

ThS. Phạm Thị Diệu Linh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

----------------------

Ghi chú:

1. So với kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp ngành mã số 84-98-178: Lý luận và thực tiễn về tổ chức mạng lưới các kho lưu trữ ở Việt Nam của Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước thực hiện năm 1990, do PGS. Vương Đình Quyền làm Chủ nhiệm.

2. Quan điểm xây dựng lưu trữ dạng này dựa trên ý tưởng thiết lập các lưu trữ trung gian và lưu trữ cộng đồng tại Hoa Kỳ, đồng thời căn cứ trên nhu cầu nghiên cứu khu vực học trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa và nhân học.

3. Theo Quyết định số 125/2005/QĐ-UB ngày 08/8/2005 của UBND thành phố Hà Nội ban hành danh mục các cơ quan, tổ chức thuộc diện nộp lưu tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ thành phố, tư liệu Phòng Quản lý Văn thư - Lưu trữ, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.

 

Nguồn: tcnn.vn

Faq ĐẶT CÂU HỎI


Bản tin HT

Copyright © 2015 by htjsc.com.vn - All Rights Reserved - Design by Helios Viet Nam